Thương hiệu trước hết giúp công ty khẳng định họ là ai trên thị trường, giúp khách hàng phân biệt được đâu là sản phẩm của các công ty khác nhau… Vậy những công ty nhỏ và đơn vị khởi nghiệp xây dựng thương hiệu từ đâu?
Thời điểm thích hợp để xây dựng thương hiệu
Làm thương hiệu quan trọng không kém những khâu khác trong phát triển DN. Tuy nhiên, nhiều chủ DN chia sẻ “phải tập trung bán hàng và marketing để sống đã, công ty không sống thì sao làm thương hiệu được”, đấy cũng là một góc nhìn thực tế.
Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, nếu không bắt đầu làm thương hiệu ngay từ đầu thì rất khó để sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn, và khi đó doanh nghiệp cũng khó có thể sống được.
Khởi nghiệp là giai đoạn tốt nhất để bắt đầu xây dựng thương hiệu, việc làm này cần song hành với các công việc khác như phát triển sản phẩm, sales, marketing… Việc xây dựng thương hiệu nên bắt đầu ngay khi có ý tưởng về sản phẩm, các startup nên nghĩ đến tên thương hiệu, logo nhận diện, những giá trị mà thương hiệu sẽ mang đến cho khách hàng, những trải nghiệm khách hàng… còn việc truyền thông thương hiệu, chúng ta sẽ làm theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào khả năng tài chính và nguồn nhân lực của DN.
Khách hàng không thể có cơ hội trải nghiệm sản phẩm của tất cả các doanh nghiệp để chọn xem cái nào tốt nhất và phù hợp nhất. Họ thường mua hàng dựa trên lời giới thiệu của người quen, hoặc chọn lựa sản phẩm đã quen mặt trên báo đài. Đôi khi, họ cũng thử “liều lĩnh” chọn sản phẩm lạ có hình thức bắt mắt nhất khiến họ thích thú, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi chúng được đặt trên kệ hàng siêu thị. Nếu bạn bán sản phẩm tại cửa hàng của riêng mình, thật khó để thu hút khách hàng mục tiêu tìm đến nếu không có thương hiệu.
Nếu bán hàng trước mà thành công, vậy chẳng có doanh nghiệp nào cần phải xây dựng thương hiệu. Điều này trái ngược hẳn với thực tế các doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới vẫn đang nỗ lực trên đường chạy đua thương hiệu. Bởi vậy, hãy làm thương hiệu trước để tạo nền móng vững chắc, sau đó mới bán hàng, hoặc thực hiện song song cả hai để có những điều chỉnh phù hợp.
Bây giờ, câu hỏi mà doanh nghiệp cần đặt ra không nên là “có cần xây dựng thương hiệu hay không”, mà phải là “xây dựng thương hiệu ra sao để chuyên nghiệp và thuyết phục khách hàng, trong khi không phung phí ngân sách”.

Những quan điểm doanh nghiệp hiểu sai về thương hiệu
- Xây dựng thương hiệu cần có nhiều tiền
Hoạt động này lại không mang tới hiệu quả tức thì như các quảng cáo hay chương trình khuyến mãi. Việc chi ra một khoản tiền khi chưa nhìn thấy ngay lợi ích thường khiến doanh nghiệp đắn đo và chần chừ. Không cần phải có nhiều tiền, bạn vẫn có thể làm thương hiệu, miễn đảm bảo nuôi dưỡng và phát triển được các ý tưởng chiến lược.
- Chất lượng tốt tự khắc sẽ có thương hiệu mạnh
Liệu có ai dám đảm bảo rằng kem của Baskin Robbins là ngon nhất, nhưng đó lại là một thương hiệu mạnh trên thế giới. Nếu tham gia khảo sát mù, liệu bạn có phân biệt được sữa của TH True milk, Vinamilk và Dutch Lady?
Điều đó chứng tỏ giá trị thương hiệu không được quyết định bởi chất lượng sản phẩm. Chất lượng chỉ là một trong những yếu tố nền tảng giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn. Bởi vậy, sẽ là sai lầm nếu bạn cho rằng chỉ cần có sản phẩm tốt, mọi người tự khắc sẽ nghĩ tới bạn.
- Doanh nghiệp nhỏ không cần làm thương hiệu
Hoàn toàn sai! Doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể sống sót trước sức ép từ những gã khổng lồ nếu không tạo ra cho mình một chỗ đứng trên thị trường. Bạn cần phải khẳng định những đặc trưng riêng để khách hàng ghi nhớ bạn, làm gì đó để khách hàng lựa chọn bạn thay vì đối thủ, và “làm gì đó” ở đấy chính là xây dựng thương hiệu.
- Bán hàng trước, xây dựng thương hiệu sau
Bạn định làm thế nào để bán được hàng khi chỉ mới bắt đầu? Không có nhận diện riêng, không xác định được điểm mạnh đột phá, không có một định hướng rõ ràng và đồng bộ, liệu khách hàng có tin tưởng bạn? Ngay cả khi bạn cho rằng tự mình rao bán cũng đủ hiệu quả, bạn có xác định được mình phải làm quảng cáo ra sao để không gây phản cảm và đủ sức thuyết phục.
Bán hàng trước có thể đem lại lợi nhuận tức khắc, nhưng không giúp bạn duy trì được hoạt động kinh doanh lâu dài.
Chuyên gia xây dựng thương hiệu
Mời đọc thêm: Những lãnh đạo doanh nghiệp với hình ảnh cá nhân có 1-0-2