Phục hồi từ đáy
Nhìn chung tăng trưởng của ngành xây dựng đã chạm đáy vào thời điểm quý 3/2021, trong thời điểm cả nước áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn vây quanh khác như giá trị backlog đạt mức thấp và giá nguyên vật liệu tăng cao tác động lên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành đã tạo đáy từ thời điểm đó, bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi bắt đầu từ quý 4/2021 sau khi những khó khăn nhất đã dần đi qua.
Kỳ vọng cho năm 2022
Cổ phiếu xây dựng “bốc đầu” với gói đầu tư công gần 114.000 tỷ đồng. Dù quy mô gói hỗ trợ Chính Phủ chính thức trình Quốc hội không bằng với con số mà nhóm các chuyên gia đề xuất trước đó khoảng 445.000 tỷ đồng song thị trường phản ứng tích cực, cổ phiếu nhóm xây dựng hạ tầng đồng loạt bứt phá…
Về cơ bản, thị trường Xây dựng tại Việt Nam được phân loại theo 2 lĩnh vực chính:
Dân dụng gồm nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng;
Công nghiệp & Hạ tầng: Hạ tầng khu công nghiệp, nhà máy, công trình năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng mặt trời, điện gió), công trình hạ tầng giao thông (đường xá, cầu, cống).
Thị trường xây dựng tại Việt Nam đạt giá trị 57,5 tỷ USD trong 2020 và dự kiến đạt 94.9 tỷ USD vào 2026, với tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến 8.7%/năm trong giai đoạn 2021- 2026. Ngành Xây dựng đóng góp tỷ trọng đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam, bình quân 8%/ năm trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên ngành Xây dựng chỉ tăng trưởng 6.76% trong 2020, giảm 0,58% trong 9 tháng 2021 do tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Đánh giá về triển vọng cổ phiếu nhóm xây dựng mới đây, Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng nhóm cổ phiếu này có khả năng hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công của Chính phủ, hoặc gián tiếp từ tác động lan tỏa của chính sách này.
Trong năm 2021, kế hoạch vốn đầu tư công được giao của Bộ Giao thông Vận tải là 43.401 tỷ đồng và dự kiến đến hết tháng 01/2022 sẽ giải ngân đạt 96%. Cho năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ Giao thông dự kiến là 50.000 tỷ đồng. Theo phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Bộ này sẽ triển khai khởi công mới 67 dự án gồm: 6 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A, 51 dự án nhóm B, C.
Đáng chú ý đối với riêng dự án trọng điểm quốc gia: Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021- 2025, theo Tờ trình 519/TTr-CP ngày 15/11/2021 thì 12 dự án sau được Chính phủ trình Quốc hội đầu tư toàn bộ theo vốn Ngân sách Nhà nước. Chỉ trong thời gian hơn 2 tháng, phương án đầu tư cho 12 dự án này được thay đổi đến 3 lần.
MAS cho rằng việc trình Quốc hội về chuyển phương thức đầu tư của toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 thể hiện Chính phủ đang khẩn trương và quyết liệt sử dụng đầu tư công là một trong những công cụ kích cầu đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa cho nhiều nhóm ngành nghề, qua đó hỗ trợ phục hồi kinh tế. Vì thế những doanh nghiệp Xây dựng, Xây lắp, Hạ tầng đang niêm yết được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong làn sóng đầu tư công của Chính phủ.
Trao đổi thêm với VnEconomy, ông Lê Quang Minh – Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh, năm 2022 sẽ là năm của nhóm ngành xây dựng. “Dòng tiền của các công ty xây dựng tốt dần lên, thông tin về các gói trúng thầu xuất hiện dày hơn đặc biệt là hạ tầng. Gói kích cầu, phục hồi kinh tế sẽ tập trung chủ yếu vào thúc đẩy cơ sở hạ tầng, do đó nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ được hưởng lợi”, ông Minh nhấn mạnh..
“Chúng tôi kỳ vọng việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh từ cuối năm 2021 và trong suốt cả năm 2022 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng hạ tầng trong năm 2022”, VnDirect nhấn mạnh.
Năm 2022 được coi là năm khắc họa rõ nét một số xu hướng mới của ngành Xây Dựng.Cùng xem thêm trong BỘ TÀI LIỆU VIDEO: Dành riêng cho Doanh Nghiệp Xây Dựng năm 2022